Tác dụng chữa bệnh ít ai biết của cây dứa (thơm)
Dứa (thơm) không chỉ được dùng làm thức uống giải nhiệt trong thời tiết nắng nóng, mà còn có tác dụng chữa bệnh, hỗ trợ điều trị viêm thận, viêm phế quản, tiêu chảy… Dứa hay còn gọi là khóm, thơm… Có rất nhiều loại khác nhau. Quả dứa thực chất là trục của hoa, và các lá bắc mọng nước tụ lại. Quả thật chính là các “Mắt thơm”. Đối với người bị bệnh tiểu đường, lấy một nắm rễ dứa sắc uống với lửa riu riu trong ngày cho nhừ, uống liên tục vài ngày tình trạng bệnh sẽ giảm dần. Nào cùng với Người đẹp thời trang tìm hiểu thông tin về tác dụng của dứa và các bài thuốc hay từ dưới qua bài viết bên dưới này nhé!
Vài thông tin về cây dứa
Tiến sĩ Võ Văn Chi có nhiều năm nghiên cứu về cây thuốc cho biết dứa còn gọi là khóm hoặc thơm, tên khoa học là Ananas comosus (L.) Merr, thuộc họ dứa Bromeli aceae.
Cây này có thân ngắn. Lá mọc thành hoa thị, cứng, dài, ở mép có răng như gai nhọn. Khi cây trưởng thành, từ chùm lá mọc ra một thân dài từ 20 đến 40 cm, mang một bông hoa, tận cùng bằng một chùm lá nhỏ. Bông gồm nhiều hoa, mỗi hoa mọc ở nách một lá bắc màu tím, các hoa này dính nhau. Khi quả hình thành, các lá bắc mọng nước tụ họp với trục của bông hoa thành một quả mọng kép có màu vàng hay gạch tôm. Các quả thật thì nằm trong các mắt dứa.
Dứa có nguồn gốc ở Brazil, người ta trồng trên nương rẫy, sườn đồi, trong vườn. Đến nay loài này được trồng phổ biến ở các vùng nhiệt đới của châu Á, châu Phi, châu Mỹ.
Tác dụng chữa bệnh của cây dứa
Đông y dùng rễ dứa để làm thuốc. Người ta đào củ dứa lên, lấy gốc và rễ, rửa sạch, xắt mỏng, phơi khô, rồi đem sao vàng, khử thổ, để dành dùng trong nhiều ngày. Rễ dứa có vị chua ngọt, tính bình, tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu. Thuốc sắc thường dùng để chữa tiểu tiện không thông, tiểu ra sạn sỏi. Liều dùng từ 30 đến 40 g. Phân tích dược lý cho thấy rễ dứa, thân dứa, quả dứa đều chứa bromelin làm tan protein. Rễ có tác dụng chống viêm và lợi tiểu.
Trong 100g quả dứa, phần ăn được cho 25kcal, 0,03mg caroten, 0,08mg vitamin B1, 0,02mg vitamin B2, 16mg vitamin C (thơm tây). Các chất khoáng là 16mg Ca, 11mg phospho, 0,3mg Fe, 0,07mg Cu, 0,4g protein, 0,2g lipid, 13,7g hydrat cacbon, 85,3g nước, 0,4g xơ.
Trong quả dứa có chứa enzyme bromelin hay bromelain, có thể phân hủy protein. Do vậy, quả dứa được sử dụng trong chế biến một số món ăn như: thịt bò xào, thịt vịt xào để giúp thịt nhanh mềm và tạo hương vị đặc trưng. Trong dân gian thường ướp các loại thịt dai, già với dứa hoặc xào cùng thịt, thịt sẽ được nhừ, ăn dễ tiêu.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây dứa
Tiến sĩ Võ Văn Chi giới thiệu một số bài thuốc bài thuốc từ rễ cây dứa như sau:
Đái tháo đường
Mỗi lần dùng một nắm lớn rễ dứa, sắc 3 chén, chia làm 8 phần. Xác còn lại nấu ninh, làm nước trà uống trong ngày. Uống nhiều ngày liên tục, bệnh giảm dần. Phải kiêng kỵ cá tanh, cua, tôm, dầu mỡ, đồ lạnh, đồ sống.
Tiểu tiện không thông, tiểu ra cát sỏi
Dùng từ 30 đến 40 g rễ dứa sắc uống.
Viêm thận: 60g quả dứa, rễ cỏ tranh tươi 30g, sắc uống thay nước hàng ngày.
Viêm phế quản: 120g quả dứa, mật ong 30g, lá tỳ bà 30g, sắc uống.
Sỏi thận: 1 quả dứa chín nguyên quả vỏ hoặc khoét ở cuống một lỗ nhỏ bằng ngón tay cho vào khoảng 7 – 8g phèn chua giã nhỏ rồi đậy lại. Đem quả dứa đó nướng chín trên than đỏ hoặc lùi vào lửa cho cháy xém hết vỏ, dứa chín mềm. Để nguội, ép lấy nước (bỏ bã) để uống. Mỗi ngày 1 trái.