Một số loài hoa lan có thể trị được bệnh viêm amidan, suy nhược thần kinh
Việt Nam có lợi thế rất lớn về nguồn tài nguyên lan phong phú và đa dạng, nhưng hoa lan vẫn được sử dụng chủ yếu cho mục đích trang trí. Nguồn dược liệu chưa được phát triển và ứng dụng vào sức khỏe con người. Thạch tiên đào là loài hoa thuộc họ lan, sắc nước uống có tác dụng chữa viêm amidan, suy nhược thần kinh. Tiến sĩ Võ Văn Chi, tác giả một số cuốn sách về cây thuốc Việt Nam cho biết, cây thạch tiên đào còn được gọi là lan lục đoạn Tên khoa học Pholidota chinensis Lindl, thuộc họ hoa lan orchidaceae. Nào cùng với Người đẹp thời trang tìm hiểu các bài thuốc hay chữa bệnh từ hoa lan qua bài viết bên dưới này nhé!
Hiểu biết về các loài hoa lan
Cây này có thân rễ to từ 4 đến 10 mm, dài đến 20 cm. Rễ dài, có lông, thân củ (giả hành) cách nhau, hình thoi, cao từ 4 đến 6 cm, to một cm. Lá ngắn, dài khoảng 18 cm, rộng từ 2,5 đến 6 cm. Hoa dài từ 10 đến 25 cm xuất hiện ở giữa các thân củ, phần trên có nhiều hoa nhỏ chừng 2 cm, các lá đài và cánh hoa màu vàng nâu, trong khi cánh môi lại trắng tinh, cột có nắp vàng.
Loài lan này bám trên các cây gỗ trong rừng thưa, ở độ cao từ 800 đến 1.600 m, ra hoa vào tháng 3 đến tháng 7. Thạch tiên đào mọc nhiều ở Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Khánh Hòa, Kon Tum, Lâm Đồng, Ninh Thuận. Ngoài ra còn có ở Mianma, Trung Quốc.
Dược tính của một số loại lan
Đông y dùng toàn cây này làm thuốc. Người ta hái hoa vào mùa hạ thu, rửa sạch, loại bỏ tạp chất. Đem giả hành (thân củ) trụng qua nước sôi, phơi khô. Cây có vị ngọt, nhạt, tính mát, dưỡng âm thanh nhiệt, nhuận phế chỉ khái, bình can giáng hỏa.
Phân tích dược lý cho thấy thạch tiên đào chứa triterpen như laccerol, cyclopholidonol, cyclopholidone. Thường dùng để trị viêm phế quản, ho khan, viêm họng, viêm amidan cấp, lao phổi với khái huyết, loét dạ dày, choáng váng, đau đầu, di chứng sau đụng giập mạnh và suy nhược thần kinh. Liều dùng khô từ 10 đến 15 g, tươi từ 30 đến 60 g.
Thố nhĩ lan, lục lan, lan kiếm lá giáo
Bộ phận dùng: toàn cây – Herba Cymbidii Lancifolii. Nơi sống và thu hái: loài phân bố từ Nêpan ra phía đông tới Nhật Bản và về phía nam qua Indonesia tới Niu Ghinê. Ở nước ta, lan này mọc ở Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phú), Cúc Phương (Ninh Bình), Konplong (Kon Tum), Đà Lạt (Lâm Đồng).
Tác dụng: có tác dụng nhuận phế, tục cân.Công dụng, chỉ định và phối hợp: cũng được dùng làm thuốc trị ho, viêm nhánh khí quản, đòn ngã tổn thương.
Lan gấm đất cao
Bộ phận dùng: toàn cây – Herba Goodyerae Procerae.
Nơi sống và thu hái: loài phân bố từ Sri Lanca, Ấn Độ, Mianma, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Indonesia và các nước Đông Dương. Ở nước ta, cây mọc rải rác trong các rừng ẩm thưa, nhiều mùn từ Bắc vào Nam từ vùng núi cao đến các vùng trung du, đồng bằng có gặp ở Lào Cai, Hà Giang, Thừa Thiên – Huế, Ninh Thuận.
Tính vị, tác dụng: vị ngọt, nhạt, tính bình; có tác dụng khu phong trấn kinh, trừ ho chặn suyễn, tiêu thũng lợi niệu, khu phong thấp.
Một số bài thuốc hay từ hoa lan
Tiến sĩ Võ Văn Chi giới thiệu một số bài thuốc từ cây thạch tiên đào như sau:
Di chứng sau khi chấn động não, đau đầu chóng mặt
– Thạch tiên đào 15 g, bạch chỉ 10 g, trứng gà một quả (dùng kim châm hơn 10 lỗ). Cho tất cả vào nồi nấu lấy nước uống và ăn trứng.
– Thạch tiên đào 60 g, trứng gà một quả (dùng kim châm 10 lỗ). Hầm lấy nước uống, ăn trứng, uống nước sau bữa ăn một giờ.
Suy nhược thần kinh
Thạch tiên đào, dây hà thủ ô, mỗi vị 30g, sắc uống.
Viêm amidan cấp
Thạch tiên đào tươi 30 g, giang bản quy tươi 60 g, nhất chi hoàng hoa tươi 15 g. Tất cả đem sắc lấy nước uống.