Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây bồ kết
Quả bồ kết được thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 11. Lúc này quả có màu xanh hoặc vàng nhạt, sau khi phơi khô được buộc thành chùm và treo trên giá bếp cho đến khi có màu đen sáng. Hình dạng dược liệu hơi dẹt và cong, cứng và giòn, dễ gãy. Đối với mụn nhọt, dùng 2-8 gam mỗi vị gồm bồ kết, kim ngân hoa và cam thảo. Theo TS Võ Văn Chi, tác giả Từ điển Cây thuốc Việt Nam, quả bồ kết còn được gọi là bù kết, mận kết, miên kết, tận kết. Tên khoa học: Gleditsia australis Hemsl. Ex Forbes et Hemsl, thuộc họ đậu Fabaceae. Nào cùng với Người đẹp thời trang tìm hiểu các bài thuốc chữa bệnh từ cây bồ kết qua bài viết bên dưới này nhé!
Một vài thông tin về cây bồ kết
Thân cây
Bồ kết thuộc loại cây gỗ, cao từ 5 đến 10 m. Thân có gai khỏe, phân nhánh từ 10 đến 15 cm. Lá thường 2 lần lông chim, có trục dài từ 6 đến 12 cm, có lông mịn hoặc gần nhẵn. Lá lông chim từ 2 đến 4 đôi, trục dài từ 7 đến 10 cm. Lá chét từ 6 đến 8 đôi, gân đối hay xen kẽ, thuôn, dài từ 20 đến 35 mm, rộng từ 10 đến 20 mm, tròn lõm ở đầu, nhọn không cân ở gốc, lượn tai bèo ở mép, không lông hay có lông rải rác, gân bên mảnh khoảng 10 đôi, cuống phụ khoảng một mm.
Hoa
Cụm hoa bồ kết chia thành chùy hay chum bó ở trên nách lá hay ngọn, có lông mềm. Hoa 5 cánh thuôn hình trứng ngược, có cuống từ 2 đến 3 mm, có lông mềm màu trắng, lá đài 5, hình tam giác kéo dài. Hoa đực có 10 nhị. Hoa lưỡng tính 5 nhị, bầu không cuống, phủ lông sát. Quả đậu, dài từ 10 đến 12 cm, rộng từ 1,5 đến 2 cm, hơi cong, tù ở đầu, gồ lên trên các hạt, không lông. Hạt từ 10 đến 12 cm, màu nâu nâu, có cuống ngắn từ 3 đến 4 mm.
Điều kiện sống
Cây bồ kết ưa sáng, mọc rải rác trong rừng rậm thường xanh thứ sinh và thường được trồng quanh làng bản, vườn, ở độ cao dưới 700 m. Loài thực vậy này ưa đất tốt, sâu, ẩm. Sinh trưởng nhanh, tái sinh hạt dễ dàng, đâm chồi khỏe. Phân bố nhiều ở Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Đồng Nai, TP HCM. Ngoài ra còn có ở Trung Quốc.
Dược tính của cây bồ kết
Đông y dùng gai bồ kết làm thuốc, thường gọi là tạo giác thích. Người ta thu hái quanh năm, phơi khô. Thuốc này có vị cay, tính ấm, tác dụng tiêu thũng độc, sưng vú, làm xuống sữa.
Phân tích dược lý cho thấy gai bồ kết chứa gleditsia saponin B-G, axit palmatic, axit béo, nonacosane. Hỗn hợp saponin và flavonoid trong bồ kết có tác dụng ức chế tụ cầu vàng. Tiến sĩ Võ Văn Chi giới thiệu một số bài thuốc từ bồ kết như sau:
Sưng vú ở phụ nữ
Gai bồ kết 30 g. Đốt thành than (tồn tính), nghiền bột. Mỗi lần dùng 3 g, uống với nước rượu vàng ấm.
Mụn nhọt
Gai bồ kết, kim ngân hoa, cam thảo, mỗi thứ từ 2 đến 8 g, sắc nước uống. Đồng thời, lấy gai bồ kết, quả bồ hòn đốt thành than, tán bột mịn trộn với bồ hóng bếp và nhựa thông phết vào giấy bản làm cao dán lên mụn.
Một số bài thuốc khác
Trong y học cổ truyền, quả bồ kết có tác dụng thông khiếu, hắt hơi, sát khuẩn, khử đờm, tiêu thũng, được dùng trong những trường hợp sau:
Bài 1: Chữa viêm xoang, ngạt mũi, khó thở: bồ kết 1 quả, đốt cháy lấy khói xông vào hai lỗ mũi. Ngày làm vài lần.
Bài 2: Chữa trúng phong, cấm khẩu, hôn mê bất tỉnh: quả bồ kết 40g, giun đất 40g, lông nhím 20g, đốt thành than. Mỗi lần uống 4 – 8g với nước ấm, ngày hai lần. Kết hợp lấy quả bồ kết và lá bạc hà (lượng bằng nhau) phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, thổi vào mũi để gây hắt hơi làm bệnh nhân tỉnh lại.
Bài 3: Chữa ho nhiều đờm, hen suyễn, thở khò khè: quả bồ kết 1g, quế chi 1g, sinh khương 1g, cam thảo 2g, đại táo 4g. Tất cả sắc với 200ml nước còn 50ml, uống một lần trong ngày.
Bài 4: Chữa đau nhức răng, sâu răng: quả bồ kết để sống hoặc đốt tồn tính, tán nhỏ, đắp vào chân răng, khi nước bọt chảy ra thì nhổ đi, không được nuốt. Hoặc bồ kết 1 quả để cả hạt, nướng cho hơi cháy vỏ ngoài, nghiền nhỏ cùng với diêm sinh lấy từ 10 đầu que diêm. Ngâm với rượu trắng cho thật đặc trong 2 – 3 ngày. Muốn có thuốc dùng ngay, đun dung dịch nhỏ lửa trong vài phút. Khi dùng, nhấp ít một dung dịch ngâm trên, ngậm vào chỗ răng đau trong 10 – 15 phút rồi nhổ đi. Ngày làm 2 – 3 lần.