Loài dây leo sàn sạt có tác dụng chữa bệnh
Ở Việt Nam và Trung Quốc có một loại cây dây leo dại mọc hoang tên là Luật thảo (hay còn gọi là cây sàn sạt). Loài cây này thường mọc xung quanh làng bản hoặc ven rừng, bò lá dày, có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Đây là loại cây dây leo có thân có rãnh dọc, lá xẻ 5-7 thùy hình chân vịt, mọc đối nhau, cuống lá có lông. Hoa của loại cây này có màu xanh vàng và quả cũng có màu hơi vàng. Nếu có các triệu chứng như mẩn ngứa, sưng tấy, khó chịu,… thì dùng 100 gam luật thảo, 50 gam thiên lý quang, cho vào nồi đun sôi rồi chắt lấy nước để rửa vết thương. Nào cùng với Người đẹp thời trang tìm hiểu các bài thuốc từ cây sàn sạt qua bài viết bên dưới này nhé!
Một số thông tin về loài dây leo sàn sạt
Theo tiến sĩ Võ Văn Chi, tác giả Từ điển Cây thuốc Việt Nam, sàn sạt (hay luật thảo) có tên khoa học là Humulopsis scandens Grudz, thuộc họ gai mèo Cannabaceae.
Đây là loài dây leo sống hằng năm hay nhiều năm. Thân có rãnh dọc, các nhánh và cuống lá đều có lông. Lá mỏng, mọc đối, phiến lá có hình năm góc, đường kính từ 7 đến 10 cm, thường chia ra từ 5 đến 7 thùy hình chân vịt, hai mặt có lông, mặt dưới có những điểm tuyến màu vàng, cuống lá dài từ 5 đến 20 cm. Hoa đực nhỏ, màu lục vàng nhạt, mọc thành chùy hình tháp dài từ 15 đến 25 cm. Hoa cái mọc thành xim. Quả bế màu vàng nhạt, hình cầu hơi dẹt.
Sàn sạt mọc rải rác ven rừng, quanh làng bản, lùm bụi, nơi sáng. Cây ra hoa từ tháng 6 đến 7. Cây này phân bố nhiều ở Lào Cai, Lạng Sơn, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nội, Nghệ An. Một số nước cũng có sàn sạt như Trung Quốc, Nhật Bản.
Dược tính của sàn sạt
Đông y dùng toàn cây để làm thuốc, hái vào mùa hè thu, thái nhỏ phơi khô. Sàn sạt vị ngọt, đắng, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi niệu, tán kết, kiện tỳ, thoái hư nhiệt. Cây thường được dùng trị một số bệnh ngoài da như mẩn ngứa, ngứa lở ngoài da, bỏng rạ nổi mụn có mủ, thũng độc và rắn cắn.
Phân tích dược lý cho thấy thân sàn sạt chứa luteolin-7-D-glucoside, tinh dầu, cholin, asparagine, tanin, nhựa. Thành phần tinh dầu gồm alpha-copen, alpha, beta selinen và y-cadinen. Bông quả chứa humalone, lupulone. Dịch ngâm cồn sàn sạt ở nồng độ 50% có tác dụng ức chế đối với trực khuẩn lỵ Shigella. Hoa và quả giúp ức chế đối với trực khuẩn kết hạch và tụ cầu vàng.
Các nghiên cứu về loài dây leo sàn sạt
Trên thế giới, cây sàn sạt cũng đã được chú ý nghiên cứu ở một mức độ nhất định. Các kết quả thí nghiệm cho thấy đây là cây thuốc có nhiều tiềm năng khai thác trong tương lai.
- Hoạt tính kháng khuẩn: Kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ cây sàn sạt có tác dụng kháng khuẩn đáng kể, giúp chống lại vi khuẩn gây bệnh lao là Tuberculous Bacillus.
- Hoạt tính chống viêm: Kết quả thí nghiệm trên chuột cho thấy chiết xuất ethyl acetate từ cây sàn sạt có tác dụng chống viêm và giảm đau do viêm đáng kể.
- Hoạt tính chống ngứa: Theo tạp chí Fitoterapia, trong cây có hoạt chất giúp giảm sự ngứa và gãi ngứa (do mẫn cảm) ở chuột thí nghiệm.
- Hoạt tính chống oxy hóa: Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy trong cây sàn sạt có hoạt chất polysaccharid giúp chống oxy hóa.
- Hoạt tính chống ung thư: Qua quá trình chiết xuất và phân tách, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra chiết xuất cồn của cây sàn sạt có chứa luteolin-7-O-β-D-glucoside. Chất này giúp ức chế tế bào ung thư gan (HepG2) rõ rệt.
Một số bài thuốc trị bệnh từ sàn sạt
Tiến sĩ Võ Văn Chi giới thiệu một số bài thuốc từ cây sàn sạt như sau:
- Bỏng rạ, nổi mụn có mủ: Nấu nước sàn sạt, tắm rửa mỗi ngày từ một đến 2 lần.
- Thiên bào sang ở trẻ em (Pemphigut): Sàn sạt 200 g. Nấu lấy nước tắm chỗ bệnh, mỗi ngày từ 2 đến 3 lần.
- Mẩn ngứa, viêm rát khó chịu: Sàn sạt 100 g, Thiên lý quang 50 g. Nấu nước rửa ngoài chỗ bệnh.
- Phổi kết hạch, lao phổi, sốt nhẹ về chiều, đêm ngủ ra mồ hôi trộm: Sàn sạt từ 40 đến 60 g đem sắc nước. Uống từ 7 đến 10 ngày liền.
- Rối loạn tiêu hóa: Cây sàn sạt từ 12 đến 24 g sắc uống.
- Bỏng rạ, nổi mụn có mủ: Dùng cây sàn sạt với lượng vừa đủ. Sau đó nấu nước tắm rửa, mỗi ngày từ một đến 2 lần.
- Phong thấp khớp xương sưng đỏ: Giã cây sàn sạt trộn với mật đắp vào chỗ đau.